10 ĐIỀU CẦN LƯU Ý TRƯỚC KHI THI BƠI IRONMAN

Bơi là môn thi đầu tiên trong một cuộc thi ba môn phối hợp (triathlon). Thời gian và quãng đường của môn này là ngắn nhất, nhưng nếu không có sự chuẩn bị tốt, một kết quả bơi không như ý hoặc mệt mỏi đuối sức sau khi lên bờ sẽ dẫn đến kết quả đạp xe và chạy bộ bị ảnh hưởng tiêu cực theo. Điều này sẽ phá hỏng cả quá trình tập luyện ba môn vất vả của bạn trong nhiều tháng qua.

Sau đây là 10 điều cần lưu ý trước khi bắt đầu phần thi bơi tại Ironman 70.3 Vietnam 2021 ngày 9/5 tới:

1. CHUẨN BỊ TRƯỚC NGÀY RACE

Ngày đi đấu Ironman 70.3 Vietnam không nên là buổi bơi open-water (bơi ngoài trời) đầu tiên của bạn.

Cần đảm bảo tập luyện trước vài buổi bơi ngoài trời trước đó, với điều kiện gần tương tự như bơi tại Đà Nẵng ngày 9/5/2021 sắp tới. Ví dụ: biển có sóng vừa, biển có sóng dài, biển có dòng nước ngược, nhiệt độ nước tương tự (24-28 độ C), bơi cạnh các bạn bơi khác (trong race người tham gia chen chúc sát nhau khi bơi)…

2. THI THỬ CÁC GIẢI CỰ LY NGẮN HƠN (NẾU CÓ)

Việc từng thi đấu ở các giải có cự li ngắn hơn sẽ giúp giảm áp lực tinh thần và tạo sự thoải mái hơn cho bạn.

Trường hợp Ironman 70.3 Vietnam là giải ba môn phối hợp đầu tiên của bạn, nên tập đầy đủ các buổi brick do các nhóm tổ chức để hiểu hơn về việc bơi open-water và cách thức bơi ngoài trời.

Có thể tham khảo các nhóm như: 3D Triahtlon (Dài-Dai-Dẻo), BoiDapChay, Vietnam Triathlon Club, Hanoi Triathlon Club, Danang Triathlon Club… hoặc các Coach và những người có kinh nghiệm.

Phần thi Bơi tại Ironman 70.3 Vietnam

3. ĐỌC KĨ FILE CHI TIẾT ĐƯỜNG BƠI

Việc tham khảo kĩ file Athlete Information Guide (AIG) được gửi tới mail của các VĐV tham gia giải. Trang 32 có đề cập tới bản đồ đường bơi, lịch mở đường bơi tập, quy định phần thi bơi, thời gian xuất phát, thời gian kết thúc địa điểm, nhiệt độ dự kiến, đường dẫn về Transition 1 sau khi bơi xong…

Cần lưu ý là biển mỗi vùng sẽ khác nhau, việc bơi làm quen trước ngày race sẽ giúp ích nhiều về tâm lý và sự chuẩn bị cho VĐV vào ngày race chính thức.

Quy định phần thi Bơi có đề cập trong Sổ Tay VĐV (Athlete Information Guide)

4. LẮNG NGHE CƠ THỂ

Trường hợp các VĐV có tiền sử gia đình gặp vấn đề về tim mạch, vui lòng liên hệ và làm việc với bác sĩ chuyên khoa tim mạch trong quá trình tập luyện và tư vấn cho ngày race.

Các dấu hiệu bao gồm: đau hay tức ngực, nhịp thở ngắn, gấp, đau đầu hay choáng nhẹ trong lúc tập luyện…

5. KHÔNG SỬ DỤNG THIẾT BỊ MỚI TRONG NGÀY RACE

Tập trung kiểm soát tình huống càng nhiều càng tốt trong ngày race.

Bạn không nên sử dụng thiết bị mới lần đầu sử dụng vào đúng ngày race, ví dụ: kính bơi mới, bộ đồ trisuit, swimsuit mới 100%… Nên tập thử với các thiết bị này nhiều lần trước khi sử dụng vào ngày race.

Điều này bao gồm cả các món đồ backup trong trường hợp thiết bị chính gặp hỏng hóc, sự cố trước ngày race.

6. NẠP NHIÊN LIỆU BUỔI SÁNG NGÀY RACE

Ăn uống đúng lúc, đúng khẩu phần và món ăn phù hợp sẽ giúp sạc đầy nhiên liệu cho một hành trình dài nửa ngày tại Ironman 70.3 Vietnam.

Bạn có thể tham khảo trình tự thời gian ăn uống tại bài viết Nạp Nhiên Liệu Trong Ironman.

Một bữa ăn sáng 2 tiếng trước khi race

7. KHỞI ĐỘNG KĨ TRƯỚC KHI BƠI

Đọc kĩ file lịch trình ngày race để đến vị trí xuất phát bơi sớm tối thiểu 30 phút trước khi xuất phát bơi.

Nạp nhiên liệu và khởi động kĩ là hai yếu tố rất quan trọng, giúp bản thân có đủ nhiên liệu cho hành trình bơi 1.9km và nhịp tim tốt khi xuất phát. Nên bơi thử 100-200m dưới biển trước khi xuất phát phần bơi.

Nếu không thể xuống nước bơi thử trước, bạn nên dành 5-10 phút trên bờ để khởi động kĩ hơn, căng giãn cơ và các khớp…

Bổ sung thêm 200-300m chạy bộ trên cát nhẹ nhàng để tăng nhịp tim. Hoặc khởi động tại chỗ như động tác Jumping Jack là một gợi ý phù hợp.

8. KIỂM TRA LẠI ĐƯỜNG BƠI VÀO NGÀY RACE

Bơi thử 100-200m trước giờ xuất phát giúp làm quen nhiệt độ nước buổi sáng ngày race.

Dành khoảng 5 phút để quan sát một lần nữa vị trí xuất phát bơi, dòng nước chảy ngày race, nhóm bơi của mình (theo màu mũ bơi BTC phát), đường kết thúc bơi (cùng cổng với xuất phát hay khác), các mốc phao lớn quay cua trên đường bơi (mọi người hay gọi là bánh ú), sóng, dòng nước…

9. KHỞI ĐẦU NHẸ NHÀNG – TẬP TRUNG, THƯ GIÃN VÀ GIỮ NHỊP THỞ TỐT

Nếu không phải là VĐV elite (đua top), bạn không nên bắt đầu với cường độ quá cao, việc này dễ dẫn tới bị ngợp, ảnh hưởng tới toàn kết quả phần bơi và đạp, chạy sau này. Hãy cứ thực hiện như lúc tập luyện và hình dung kịch bản từ trước ngày race.

Nếu có sóng lớn vào ngày race, tập trung vượt sóng, đây là lúc nhịp tim bạn tăng mạnh. Giữ bình tĩnh. Sau khi vượt sóng xong, duy trì lại về tốc độ như kế hoạch ban đầu. Cần tập luyện trước bài vượt sóng (ví dụ: bơi biển Vũng Tàu)

Thư giãn và tập trung vào nhịp thở đều đặn, chính xác theo pace mong muốn. 1.9km sẽ xong nhanh thôi.

Bắt đầu Bơi

10. THÔNG BÁO VÀ KÊU GỌI SỰ GIÚP ĐỠ

Trường hợp bản thân hoặc quan sát thấy người bên cạnh cần sự giúp đỡ y tế, hãy tìm cách bám vào dây phao (hoặc các trạm nghỉ dọc đường bơi) và giơ tay kêu gọi sự giúp đỡ tới đội ngũ cứu hộ.

Việc bám vào dây và không lợi dụng để di chuyển là hợp lệ trong môn bơi. Bạn không bị loại vì việc này.

Nếu thấy mệt quá, đau nhức, chuột rút… bạn hoàn toàn được bám dây, nhờ sự giúp đỡ từ đội cứu hộ và tiếp tục bơi lại nếu thời gian còn cho phép.

CHÚC ANH CHỊ EM VƯỢT BIỂN THÀNH CÔNG 😀

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back To Top